Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Trẻ học tiếng Anh sớm, làm sao để không bị rối loạn ngôn ngữ?

PGS Bùi Hiền - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng nếu cho trẻ học tiếng Anh quá sớm, phương pháp không phù hợp sẽ trái với quy luật phát triển tâm lý của trẻ.

Cần môi trường, phương pháp với độ tuổi phù hợp để trẻ học ngôn ngữ thứ 2
Cần môi trường, phương pháp với độ tuổi phù hợp để trẻ học ngôn ngữ thứ 2. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Không được học một cách vô thức

PGS Bùi Hiền cho rằng hiện tượng trẻ bị rối loạn ngôn ngữ đã xuất hiện từ vài chục năm trước nhưng thời gian gần đây số trẻ bị triệu chứng này ngày càng nhiều hơn.

“Muốn trẻ có thể nói tốt 2 ngôn ngữ là nguyện vọng và ý muốn chính đáng của nhiều phụ huynh. Nhưng nếu độ tuổi, phương pháp không phù hợp sẽ trái với quy luật phát triển tâm lý của trẻ. Trẻ con sinh ra, khoảng 4-5 tuổi mới hình thành thuần thục 1 ngôn ngữ. Khi trẻ chưa thuần thục ngôn ngữ mẹ đẻ mà chuyển sang tiếp thu ngôn ngữ khác một cách vô thức sẽ bị tác động giao thoa, dẫn đến nhầm lẫn lung tung giữa các ngôn ngữ”, PGS Bùi Hiền chia sẻ.

Vị chuyên gia ngôn ngữ này cho rằng, nhiều phụ huynh hiện không chú ý đến vấn đề phát triển tâm lý của trẻ mà chỉ muốn con thật giỏi giang, thật thần đồng ngay từ nhỏ nên cho con tiếp xúc với ngôn ngữ thứ 2 quá sớm. Đó là sai lầm của cha mẹ, vì thế, cần thay đổi quan niệm này.

PGS Bùi Hiền nhận định với môi trường học ngoại ngữ, tức là chỉ học một vài tiết trên lớp còn lại vẫn giao tiếp tiếng mẹ đẻ bình thường thì từ 3 tuổi mới nên cho trẻ bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh. Nếu muốn trẻ giao tiếp tiếng Anh tốt như ngôn ngữ mẹ đẻ thứ 2 kiểu như ESL - English as a Second Language thì cần phải có môi trường song ngữ thực sự, khi đó cần phương pháp học phù hợp cho mỗi độ tuổi.

Đồng quan điểm, TS.BSCKII Lã Thị Bưởi - chuyên gia Tâm thần học, nguyên giảng viên chính ĐH Y Hà Nội - cho rằng, độ tuổi nào cho con học ngôn ngữ đang là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Trên thực tế, sau giai đoạn 0-3 tuổi khi trẻ đã thuần thục tiếng mẹ đẻ, gia đình có thể kết hợp cho học tiếng Anh nhưng cần phân bố thời gian hợp lý, chọn phương pháp học hiệu quả.






 Hiện tượng trẻ bị rối loạn ngôn ngữ phải đi trị liệu ngày càng nhiều
Hiện tượng trẻ bị rối loạn ngôn ngữ phải đi trị liệu ngày càng nhiều. Ảnh: Huyên Nguyễn

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển tiềm năng con người cho rằng, có tình trạng trẻ bị sang chấn tâm lý nếu ép buộc trẻ học ngoại ngữ không đúng cách. Việc học ngoại ngữ phải bằng cách kết hợp giữa ngôn ngữ tiếng và ngôn ngữ cơ thể, trẻ sẽ “chụp hình” lại để “xử lý”.

Mỗi độ tuổi cần một phương pháp học phù hợp

Chỉ ra nguyên nhân trẻ Việt Nam học ngoại ngữ còn hạn chế, PGS Bùi Hiền cho rằng do trẻ học không đúng thời điểm, giáo trình không phù hợp, một số giáo viên “Tây balo” không chuẩn, chỉ có ngôn ngữ chứ không có phương pháp dạy.

Ông Travis Stewart – Phó Tổng giám đốc một hệ thống trung tâm giáo dục tiếng Anh nổi tiếng tại Việt Nam nhấn mạnh: 3 yếu tố quan trọng nhất trong đào tạo tiếng Anh là giáo trình, giáo viên và phương pháp học. Trong đó, giáo trình tốt là giáo trình chuẩn thang đo quốc tế song phải phù hợp với tâm lý, tính chất của văn hoá bản địa, được soạn để phù hợp với tư duy của người học ở mỗi châu lục, khu vực.

“Phương pháp học ngoại ngữ cần phù hợp từng độ tuổi. Bên cạnh dạy giỏi về ngôn ngữ, giáo viên phải chú trọng phát triển toàn diện cho trẻ, cần tạo môi trường để trẻ phát triển tư duy, năng lực bản thân, kỹ năng mềm... chứ không chỉ tập trung vào từ vựng và cấu trúc. Trong khi dạy, giáo viên phải phổ cập kiến thức ngôn ngữ kèm với kiến thức khoa học, xã hội, các trò chơi trí tuệ để học sinh mở rộng vốn sống và kiến thức xã hội”, ông Travis Stewart nhấn mạnh.


>> Nguồn: Lao động Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét