Tại hội thảo mới đây về dạy và học tiếng Anh tiêu học, TS Trần Hương Quỳnh, giảng viên, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ học Anh, ĐH Sư Phạm Hà Nội, nêu quan điểm dạy và học tiếng Anh phải theo sở thích của trẻ.
Việc dạy và học ngoại ngữ này sẽ có nhiều thay đổi đối với thế hệ Z (Gen Z - những bạn sinh ra từ giữa thập niên 90 đến đầu những năm 2000) và Alpha (sinh sau năm 2010).
Trẻ phải được "tắm" trong môi trường sinh ngữ
Theo TS Hương Quỳnh, hiện tại, những đứa trẻ 7-10 tuổi đã sinh ra trong thời đại công nghệ, có cách tiếp cận ngôn ngữ đầy đủ hơn so với trước. Do vậy, giáo viên phải chủ động về phương pháp dạy học để làm sao tạo ra môi trường thân thiện, an toàn với trẻ.
Ngoài ra, người lớn phải khuyến khích để trẻ thấy được việc học tiếng Anh mang lại những lợi ích nhất định nhằm khám phá thế giới, đáp ứng nhu cầu của bản thân.
TS Trần Hương Quỳnh, ĐH Sư Phạm Hà Nội. Ảnh: Q.Q. |
Học tiếng Anh không nên gò ép và theo cách đọc chép. Cách học qua trải nghiệm, tận dụng giác quan, vận động sẽ giúp trẻ khám phá ngôn ngữ.
Đặc biệt, công nghệ sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc học ngôn ngữ của trẻ. Nói cách khác, trẻ phải được tiếp cận trong môi trường sinh ngữ - "tắm" trong tiếng Anh.
“Điều quan trọng phải để tình yêu ngôn ngữ của con đến từ bên trọng và duy trì đam mê. Con bị ép học quá sẽ có phản ứng ngược chiều", giảng viên Hương Quỳnh nói.
Bà Quỳnh nêu ví dụ khi trẻ bị ép học sẽ có hai giai đoạn. Lúc đầu, trình độ của con có thể lên rất nhanh và nói rất tốt ở những năm đầu tiểu học. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra tâm lý và môi trường quan trọng hơn nhiều so với việc khởi đầu như thế nào. Trẻ phải học tiếng Anh và dùng ngôn ngữ này để khám phá cuộc sống, việc tiếp cận mới bền bỉ.
Nhiều học giả cho rằng học sinh tiếp cận ngôn ngữ cần từ bên trong nội tại của học sinh. Khi đặt trong không gian nghe, có mục tiêu giao tiếp cụ thể, trẻ sẽ phát triển tự vựng, giao tiếp.
Trong nhà trường, học sinh nhỏ tuổi, khả năng tập chung chú ý không cao, giáo viên cần chia nhỏ thời gian hoạt động sao cho phù hợp.
Với gia đình, bà Trần Hương Quỳnh nêu 6 khuyến nghị trong việc dạy học tiếng Anh ở tiểu học. Theo đó, thầy cô phải vận dụng các hoạt động vui chơi và tương tác, tạo nhiều loại hình hoạt động để học sinh tham gia. Giáo viên hiệu chỉnh các hoạt động theo thuyết đa trí tuệ, hướng đến cá thể hóa học tập.
Người đứng lớp sẽ thiết kế các hoạt động học tập có ý nghĩa, gần gũi và gắn liền cuộc sống, khám phá thế giới, cuộc sống và văn hóa là hình thức hiệu quả. Đồng thời, giáo viên vận dụng các phương pháo kỹ thuật dạy học linh hoạt giúp học sinh thành công.
Cần phương pháp cho công nghệ trong dạy tiếng Anh
PGS Nguyễn Quốc Hùng (Nguyễn Quốc Hùng MA - người có gần 30 năm dạy tiếng Anh trên truyền hình), nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, cho hay một phương pháp phổ biến khi dạy cho trẻ là học tiếng Anh qua bài hát. Điều quan trọng trẻ học được từ gì, mẫu câu gì qua bài hát chứ không phải hát sao cho đúng hoàn toàn.
PGS Quốc Hùng lý giải các bước học tiếng Anh là nghe lượt đầu sao cho thẩm thấu, giải thích cho trẻ bài hát nói về gì, huấn luyện cho trẻ phát âm sao cho đúng, dạy hát từng câu và biểu diễn.
Hiện tại, các phương tiện công nghệ hỗ trợ cho học tiếng Anh, tuy nhiên phải có phương pháp dạy.
“Thế kỷ 21 tổng hợp các phương pháp dạy tiếng Anh chứ không phân chia từng kỹ thuật dạy”, PGS Nguyễn Quốc Hùng thông tin.
Để đáp ứng điều này, giáo viên cần có những kỹ thuật dạy học, tuy nhiên hiện tại phần lớn giáo viên lại thuộc nhiều lý thuyết.
“Cần đẩy mạnh tiếng Anh trên nền tảng cấu tạo của tiếng Anh chứ không phải đẩy mạnh bằng ứng dụng tiếng Việt vào tiếng Anh”, thầy Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
>> Theo: QQ (Zing News)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét